Công bố hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam
Ngày 7/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tổ chức Lễ công bố Hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam, thuộc dự án ODA "Củng cố và thiết lập hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam".
Theo đó, hệ thống này được xây dựng nhằm thống nhất thông tin an toàn thực phẩm trên quy mô toàn quốc và sẽ quản lý dữ liệu tập trung, cập nhật theo thời gian thực, phân loại và công bố thông tin về an toàn thực phẩm, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc xuất xứ và sản phẩm an toàn.
Lãnh đạo Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc bàn giao tượng trưng hệ thống quản trị ATTP tại Việt Nam. Ảnh: VGP/TH.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2020. Sau đó đã được Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt để triển khai chính thức.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), Dự án này đã hoàn thành giai đoạn triển khai 4 năm (từ 2020-2023). Hệ thống quản trị an toàn thực phẩm đã được xây dựng gồm 5 hợp phần gồm:
1. Hệ thống báo cáo ATTP trực tuyến từ cấp phường/xã lên cấp quận/huyện lên cấp tỉnh/thành phố và tổng hợp tại cấp trung ương: Đây là hệ thống báo cáo xây dựng theo các biểu mẫu đã được phê duyệt tại Quyết định 3081/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế”. Các thông tin trong báo cáo sẽ được gửi và nhận theo thời gian thực. Trong hệ thống báo cáo, hơn 12.000 tài khoản được thiết lập cho tất cả các xã, huyện, tỉnh và trung ương.
2. Hệ thống Trang web Cổng thông tin ATTP (cho công chúng): Ngoài các thông tin chung về an toàn thực phẩm tại trang web này, hệ thống đã thiết lập Bản đồ thông tin doanh nghiệp theo vùng địa lý. Các thông tin cơ bản của doanh nghiệp như: tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, các sản phẩm…được hiển thị và thông báo cho người dân. Chức năng báo cáo vụ ngộ độc thực phẩm cũng được thiết kế tại hệ thống này để các cơ quan quản lý ATTP cấp tỉnh/thành phố có thể đăng nhập và thực hiện báo cáo trực tuyến.
3. Hệ thống quản lý thực phẩm Việt Nam (dành cho cán bộ) - Trang nghiệp vụ dành cho cán bộ quản lý: Các chức năng khác phục vụ cho nhu cầu tin học hóa các nghiệp vụ quản lý cho cán bộ Cục ATTP bao gồm: quản lý thông tin doanh nghiệp, quản lý vụ ngộ độc thực phẩm, quản lý đơn thư khiếu nại, phản ánh, quản lý thông tin giám sát quảng cáo, quản lý thông tin cảnh báo ATTP…
4. Hệ thống quản lý thông tin các phòng kiểm nghiệm: Đây là hệ thống kết nối thông tin giữa các phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP với cơ quan quản lý nhà nước. Dựa trên hệ thống, cơ quan quản lý có thể quản lý tích hợp, tra cứu các chỉ tiêu kiểm nghiệm được chỉ định, tổng hợp các số liệu kiểm nghiệm tự động để phục vụ mục đích quản lý…
5. Hệ thống web mobile: Đây là Cổng thông tin toàn dân được thiết kế rút gọn để có thể sử dụng trên điện thoại di động. Web mobile hiển thị các thông tin về Bản đồ thông tin doanh nghiệp, Bản đồ ngộ độc thực phẩm,… và có chức năng gửi thông báo từ website tới những tài khoản đăng ký vào hệ thống.
Hệ thống được Bộ Quốc phòng và Tập đoàn FPT (đơn vị kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin độc lập do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép) thực hiện đánh giá và xác nhận là đảm bảo an toàn thông tin, đã sẵn sàng để chính thức đưa vào sử dụng.
Dự án “Củng cố và thiết lập hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam” là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ của hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc và là sự khẳng định một lần nữa mối quan hệ khăng khít của hai quốc gia Đối tác chiến lược toàn diện trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển.
Tags:hệ thống quản trị
an toàn thực phẩm
Tin cùng chuyên mục
Món ăn vặt giúp cặp đôi thăng hoa
GD&TĐ - Những món ăn cũng góp phần không nhỏ cho cuộc yêu của vợ chồng được thăng hoa. Xin giới thiệu những món ăn "ông nấu, bà khen" để bạn tham khảo.