Dốc đá có cấu trúc lạ, đẹp tựa 'Ai Cập thu nhỏ' ở Gia Lai
Tọa lạc ở làng Pliết Kte, H' Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, dốc Vạn Long với những vách đá có hình thù đặc biệt là địa điểm check-in chưa được nhiều du khách biết đến khi có dịp ghé thăm vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Tuy nhiên, đoạn dốc này lại rất quen thuộc với người dân địa phương bởi đây là cung đường họ đi qua để lên nương rẫy hàng ngày.
Dốc đá Vạn Long ở Gia Lai (Ảnh: Huyền tỷ review).
Đoạn dốc có địa hình chủ yếu là đất cát, do xói mòn tự nhiên qua nhiều năm mà thành (Ảnh: Huyền tỷ review).
Theo bà con nơi đây, dốc Vạn Long có hình thù độc đáo, được miêu tả giống như những con rồng đang quấn quýt, nằm sát bên nhau.
Do quá trình xói mòn trong tự nhiên đã diễn ra suốt nhiều năm đã hình thành nên dốc đá có hình dạng kỳ lạ như vậy.
Không chỉ nổi bật giữa một vùng đất với hình thù độc lạ, dốc Vạn Long còn gây ấn tượng bởi những mảng màu trên đá có độ đậm nhạt, đường vân khác nhau và được ví von như những họa tiết trên váy thổ cẩm của thiếu nữ dân tộc Jrai.
Du khách chọn trang phục tối màu để nổi bật hơn giữa những vách đá màu nâu đất có hình thú độc đáo (Ảnh: Phạm Công Quý).
Thời điểm phù hợp nhất để tham quan ở dốc Vạn Long là khoảng từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Lúc này, thời tiết nơi đây ít mưa, đường khô ráo giúp du khách thuận tiện di chuyển và chụp hình.
Tuy nhiên, du khách cần chuẩn bị thêm đồ chống nắng như mũ, kính mắt, kem chống nắng,… và nước uống vì nhiệt độ ở khu vực này khá cao, trời nắng nóng.
Để có những bức hình đẹp, du khách lưu ý nên đến dốc Vạn Long vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Khi ấy, nhiệt độ dễ chịu hơn và ánh nắng dịu, không quá gắt (Ảnh: Huyền tỷ review).
Hiện tại, khu vực dốc Vạn Long chưa có biển chỉ dẫn song đường đến đây khá dễ tìm và dễ đi, du khách có thể di chuyển bằng cả ô tô hoặc xe máy.
Địa điểm này cách TP.Pleiku 54km theo hướng quốc lộ 25 đi Phú Yên. Du khách có thể kết hợp ghé những địa điểm nổi tiếng gần trục đường chính như thác Phú Cường, đập thủy lợi Ayun Hạ, làng văn hóa Plei ơi, suối đá Ayun, đầm sen Phú Thiện...
Ngoài dốc Vạn Long ở huyện Chư Sê, ghềnh đá đĩa làng Vân (thị trấn YaLy, huyện Chư Păh) và bãi đá cổ ở làng Đôn Hyang (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cũng là những điạ điểm du lịch hút khách ở Gia Lai bởi vẻ đẹp địa chất “có một không hai”.
Bãi đá cổ ở làng Vân hay còn gọi là ghềnh đá đĩa vì có hình dạng như Ghềnh Đá Đĩa - một di tích quốc gia đặc biệt ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây, những khối đá hình lục giác được thiên nhiên sắp đặt khéo léo thành từng lớp, rộng khoảng 200m, trải dài hơn 1km hai bên con suối.
Bãi đá cổ làng Vân nằm giữa xã La Phí và thị trấn Yaly, có niên đại hơn 100 triệu năm tuổi. Đây là địa điểm check-in được nhiều du khách gần xa tìm đến tham quan và chụp hình (Ảnh: Luan Lavender).
Nhìn từ trên cao, bãi đá này giống như một "tổ ong" bằng đá khổng lồ với hàng trăm cột đá hình lục lăng xếp cạnh nhau. Người Jrai ở làng Vân không biết bãi đá và con suối ấy có từ bao giờ, chỉ biết con suối rất linh thiêng, được Yàng ban tặng để che chở, nuôi sống dân làng.
Bãi đá cổ ở làng Đôn Hyang (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cũng là một di sản độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng cao nguyên đất đỏ.
Các khối đá bazan ở đây cũng có hình lục lăng với kích thước và hình dáng tương đối đều, được xếp ngay ngắn hoặc nằm song song song mặt đất đến khó tin.
Bãi đá cổ mang vẻ đẹp địa chất độc lạ ở làng Đôn Hyang (Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân).
Theo bà con địa phương, sức mạnh của dòng nước trên sông Ayun cùng với các biến động địa chất đã tạo ra bãi đá cổ huyền bí này, đẹp không kém gì ghềnh đá đĩa ở làng Vân.
Tags:dốc đá
check-in
địa điểm du lịch
Gia Lai
ghềnh đá đĩa
Tin cùng chuyên mục
Món ăn vặt giúp cặp đôi thăng hoa
GD&TĐ - Những món ăn cũng góp phần không nhỏ cho cuộc yêu của vợ chồng được thăng hoa. Xin giới thiệu những món ăn "ông nấu, bà khen" để bạn tham khảo.