Phim do Nhà nước đầu tư: Gập ghềnh con đường ra rạp
Sau thành công của “Đào, phở và piano” do Nhà nước đầu tư, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - phim hợp tác Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư và “Bà già đi bụi” - phim đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu, có thể thấy nhiều phim đầu tư từ ngân sách có thể phát hành thương mại và thành công. Nhưng vì sao con đường ra rạp vẫn gập ghềnh?
Cảnh trong phim “Bà già đi bụi”. Ảnh: ĐPCC.
Giấc mơ ra rạp
Bộ phim “Bà già đi bụi” (đạo diễn Trần Chí Thành) dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trước “Bà già đi bụi”, hai truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư cũng đã được chuyển thể kịch bản dựng phim, đó là “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về”, cũng đều đem lại ấn tượng sâu sắc.
Theo đạo diễn Trần Chí Thành, với “Bà già đi bụi”, anh cũng như toàn ê-kíp đã phải vượt qua nhiều thách thức. “Với tâm huyết của cả một tập thể dành cho bộ phim, chúng tôi luôn mong muốn khi làm xong bộ phim sẽ đến được với đông đảo khán giả để cùng cảm nhận những thông điệp mà các tác giả muốn gửi gắm. Đây là điều mong muốn nhất của những người làm phim, nhất là những bộ phim do Nhà nước đặt hàng” - vị đạo diễn này chia sẻ.
Vẫn theo đạo diễn Trần Chí Thành: Mình đã làm được gì cho bố mẹ? Đó chính là tinh thần và thông điệp của câu chuyện mà bộ phim “Bà già đi bụi” hướng tới, để nhắc nhở những người con, người cháu quan tâm đến bố mẹ, ông bà mình nhiều hơn, biết cảm thông và chia sẻ với những nỗi niềm của ông bà, bố mẹ. Đây cũng là giá trị cốt lõi trong truyền thống văn hóa gia đình của người Việt.
Khi được chiếu ra mắt vào cuối tháng 9, bộ phim được giới chuyên môn và truyền thông đánh giá khá tích cực. Tuy nhiên, phim chỉ được đưa vào các chương trình chiếu phim, tuần phim và gửi các địa phương chiếu miễn phí phục vụ người dân. Mặc dù vậy, ê-kíp làm phim vẫn mong đợi “phép màu” để bộ phim có thể ra rạp công chiếu rộng rãi, ít ra cũng để biết có đúng và trúng nhu cầu của khán giả hay không.
Có lẽ không chỉ “Bà già đi bụi” mà hầu hết các bộ phim do Nhà nước đặt hàng đều rất khó ra rạp. Và không chỉ là chuyện thiệt thòi do không có nhiều kinh phí quảng bá, giới thiệu mà ngay cả ra rạp rồi (nhất là các cụm rạp tư nhân) lại không có cơ chế cho đơn vị phổ biến phim thì vẫn lại như không. Dẫn chứng chính là bộ phim “Sống cùng lịch sử” (năm 2014, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), được Nhà nước đầu tư với kinh phí lên tới 21 tỷ đồng. Mặc dù vậy, phim cũng không gây tiếng vang do quá ít suất chiếu và giới hạn điểm chiếu.
Sau này, Cục Điện ảnh cũng đầu tư vào một số bộ phim dưới hình thức hỗ trợ, chứ không phải chi 100% như “Sống cùng lịch sử”. Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, theo hình thức hợp tác công - tư đã thành công về doanh thu, khi thu về 78 tỷ đồng.
Tính ra, năm 2023, trong số 40 bộ phim điện ảnh được sản xuất thì chỉ có 3 bộ phim do Nhà nước đầu tư, 37 phim còn lại do tư nhân đầu tư.
Cần có cơ chế thích hợp
Từ lâu, đã có nhiều ý kiến cho rằng phim do Nhà nước đầu tư không mang lại doanh thu, chỉ phục vụ miễn phí cho các tuần phim hay là để tham dự các liên hoan phim. Lý do chính đến từ việc thiếu các quy định cụ thể để các phim này tiếp cận rạp chiếu thương mại, dẫn đến việc chỉ dừng lại ở những suất chiếu hạn chế. Như vậy là mất đi cơ hội tiếp cận khán giả rộng rãi, cho dù cả nội dung lẫn chất lượng chung của phim được đánh giá tích cực nhưng lại không được khán giả rộng rãi biết đến.
Từ đó cho thấy rất cần thay đổi về chính sách phát hành phim do Nhà nước đầu tư. Cụ thể là cần có quy định về phát hành và phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước, hay nói cách khác là phim do Nhà nước đặt hàng. Những bộ phim này thường rơi vào tình trạng sản xuất xong để đấy mà không thể phát hành, không phổ biến rộng rãi. Nguyên nhân được chỉ ra là khoảng trống trong cơ chế sản xuất và phát hành phim sử dụng kinh phí, ngân sách nhà nước. Vì vậy, sau khi hoàn thành và trình chiếu ít buổi, các bộ phim này thường lại “cất đi”.
Phải chăng phim do Nhà nước đặt hàng không thể cạnh tranh với phim thị trường? Câu trả lời là chưa chắc, nếu như có cơ chế phát hành thương mại vào tất cả các hệ thống cụm rạp.
Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, một bộ phim nhà nước được đem “cất kho” hoàn toàn không liên quan đến chất lượng mà chủ yếu do vướng mắc cơ chế. Ông Tuấn lưu ý, rắc rối đầu tiên là vấn đề sử dụng vốn ngân sách và tài sản nhà nước thì phải đúng mục đích. “Vì thế, kể cả phim nhà nước đặt hàng kiếm được hàng trăm tỷ đồng doanh thu thì e rằng vẫn phức tạp về thủ tục giấy tờ. Bởi Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan hành chính nhà nước, không phải là doanh nghiệp, không thể xuất hóa đơn đỏ, và về bản chất là không thể có doanh thu” - theo ông Tuấn.
Phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước đến rộng rãi khán giả nhằm phát huy hiệu quả, đó chính là điều “cần làm ngay”, trên tinh thần vướng đâu gỡ đó. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc áp dụng cơ chế liên danh sản xuất và phát hành trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Chỉ có như thế phim do Nhà nước đầu tư mới rộng đường ra rạp, phục vụ đông đảo khán giả, từ đó tạo nên sự lan tỏa rộng rãi. Và cũng là để tránh lãng phí.
“
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, chưa có quy định về chia tỷ lệ % cho phát hành phim do Nhà nước đặt hàng, bao nhiêu % doanh thu chia sẻ cho rạp, cho đơn vị sản xuất khi đưa phim ra bán vé. Ông Thành cũng cho rằng, cần phải có quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phát hành, phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng.
“Cục Điện ảnh không có chức năng phát hành phim. Cục đã đề xuất giao Trung tâm Chiếu phim quốc gia làm nhiệm vụ phát hành phim Nhà nước đặt hàng, đồng thời đề xuất xây dựng nghị định về phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Hy vọng, Nghị định sẽ được trình Chính phủ ban hành trong năm 2025, qua đó tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát hành phim” - ông Thành nói.
Tags:ra rạp
Tin cùng chuyên mục
Món ăn vặt giúp cặp đôi thăng hoa
GD&TĐ - Những món ăn cũng góp phần không nhỏ cho cuộc yêu của vợ chồng được thăng hoa. Xin giới thiệu những món ăn "ông nấu, bà khen" để bạn tham khảo.